Măng khô được sử dụng để chế biến nhiều món truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán như măng nấu miến gà, vịt, miến măng chân giò heo, măng kho thịt, cá…Trước khi sử dụng để chế biến món ăn, măng khô cần được ngâm cho nở mềm, luộc kỹ để loại bỏ độc tố. Chúng tôi hướng dẫn các bạn một số mẹo vào bếp hay để sơ chế măng khô trong bài viết dưới đây!
1. Cách chọn măng khô ngon
Chọn măng khô có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách và có độ bóng láng.
Măng ngon có đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày mềm, không có quá nhiều xơ. Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được.
Bạn nên chọn loại măng lưỡi lợn (có hình dáng như chiếc lưỡi lợn), có kích thước vừa phải sẽ vừa nạc, lại giúp bạn tiết kiệm thời gian khi ninh nấu.
Bạn có thể nhận biết măng phơi nắng tự nhiên có mùi ngai ngái của măng còn măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của măng ngâm lưu huỳnh, khi ngửi sẽ có mùi SO2 (mùi diêm sinh) rất đặc trưng. Ngoài ra, măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc.
2. Cách ngâm và luộc măng trắng mềm, vừa độ
Ngâm măng
- Măng mua về rửa thật sạch, đổ đầy nước lạnh ngâm qua đêm.
- Sáng hôm sau bạn đổ nước ngâm măng đi, lấy từng miếng măng rửa thật sạch. Bạn rửa kỹ măng để măng không bị chua.
- Sau khi rửa măng bạn đổ nước ngập măng và tiếp tục ngâm khoảng 3 – 4 ngày để măng nở mềm.
Mẹo nhỏ: Bạn chú ý ngày nào cũng phải thay nước ngâm măng và rửa măng thật kỹ nhé.
Luộc măng
- Măng sau khi ngâm ta tiến hành luộc măng. Bạn cho măng khô vào nồi đổ nước xâm xấp măng rồi luộc. Nước sôi bạn đun nhỏ lửa khoảng 15 phút rồi đổ măng ra một cái rổ, rửa sạch măng lại với nước lạnh.
- Sau đó tiếp tục cho nước lạnh vào luộc tiếp. Làm như vậy khoảng 3 lần để cho nước trong, không thấy màu nước vàng đậm là được.
Măng khô sau khi luộc
Bạn kiểm tra măng bằng cách lấy móng tay ấn vào măng thấy măng mềm là được. Loại bỏ phần thân già cứng là hoàn thành.