Nguyên liệu làm Vịt nấu măng tươi cho 4 người
- Vịt 1 con (nặng khoảng 1 – 1.5kg)
- Măng tươi 500 g
- Chanh tươi 1 trái
- Hành lá 5 nhánh
- Gừng tươi 1 củ
- Rau mùi tàu 1 ít
- Rượu trắng 100 ml
- Tỏi 1 củ
- Hành khô 3 củ
- Bún tươi 1 kg
- Gia vị thông dụng 10 gram (mắm/ muối/ mì chính/ hạt tiêu)
Cách chế biến Vịt nấu măng tươi
Sơ chế nguyên liệu
Vịt sau khi rửa sạch, khử mùi, chặt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Nếu có tiết vịt, có thể cắt thành miếng, chần quan nước sôi để loại bỏ chất bẩn và giúp tiết đông lại thành khối.
Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, thái khúc nhỏ. Mùi tàu nhặt gốc, rửa sạch, thái khúc nhỏ. Hành khô, tỏi khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
Dùng một nhánh gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, thái lát.
Măng tươi mua về rửa thật sạch, cho vào nồi luộc chín để loại bỏ vị đắng, nếu thấy măng vẫn còn đắng, có thể chần qua nước sôi thêm vài lần. Xả măng bằng nước lạnh cho măng nguội, sau đó xé măng thành những sợi mỏng vừa ăn.
Áp chảo cho thịt vịt ra bớt mỡ
Bắc chảo lên bếp với một chút dầu ăn, khi dầu nóng hãy cho thịt vịt chặt nhỏ vào áp chảo cho đến khi phần da ra bớt mỡ, miếng thịt săn lại và có màu vàng nâu đẹp mắt. Gắp vịt vào rây, để ráo dầu.
Sau khi áp chảo, thịt vịt không bị ngán ngấy do nhiều mỡ và thơm ngon hơn. Nếu thịt vịt nhiều nạc, săn chắc thì có thể bỏ qua bước này.
Ướp thịt vịt
Cho thịt vịt áp chảo vào tô lớn, thêm khoảng 2 muỗng nước mắm, 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê đường, 1/2 lượng hành băm, tỏi băm. Trộn đều hỗn hợp cho vịt ướt và thấm gia vị.
Ướp vịt trong khoảng 30 phút, có thể đảo thường xuyên khi ướp để vịt thấm gia vị đậm đà hơn.
Xào măng thấm gia vị
Bắc chảo lên bếp với chút dầu ăn, phi thơm tỏi băm, cho măng vào xào chín rồi nêm thêm chút hạt nêm cho đậm đà. Xào măng tươi trước khi nấu sẽ giúp măng thấm dầu và gia vị, khi ăn măng giòn ngọt và thơm hơn.
Nấu các nguyên liệu
Bắc một cái nồi lớn lên bếp, phi thơm lượng hành băm còn lại rồi cho thịt vịt vào xà, thêm gừng thái lát vào xào cùng vịt. Khi thịt chín và săn lại thì đổ nước vào đun sôi đu nhỏ lửa cho thịt mềm.
Sau 20 – 25 phút thịt mềm, hãy trút hết phần măng tươi, tiết vịt thái miếng vào nồi, nấu sôi thêm khoảng 5 phút. Cuối cùng, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi vặn lửa liu riu để giữ nóng.
Thành phẩm
Bỏ bún vào tô (có thể chần qua nước soi để bún tươi hơn), rắc thêm hành lá, mùi tàu thái nhỏ, cuối cùng múc nước dùng nóng, thịt vịt, măng tươi vào là đã hoàn thành.
Để gia tăng hương vị cho món bún vịt nấu măng tươi, có thể ăn kèm các loại rau thơm, rau sống và chén mắm gừng để thêm ngon và tròn vị.
Mẹo khử mùi thịt vịt
Sau khi làm sạch thịt vịt, trước khi sơ chế loại thịt này, nên dùng gừng và rượu để khử mùi hôi của thịt vịt. Bóp vịt thật kỹ với gừng giã nhuyễn hoặc xát với rượu, mùi hôi sẽ không còn.
Nếu trong nhà bạn không có sẵn gừng và rượu thì có một cách đơn giản hơn và cũng rẻ tiền hơn để khử mùi khó chịu của vịt: muối và giấm. Hãy hòa chúng với nhau, xát thật kỹ cả bên trong và bên ngoài con vịt nhiều lần, khi ăn sẽ không còn mùi hôi.
Nếu không sẵn giấm, bạn có thể thay bằng chanh.
Bên vcạnh đó, nên cắt bỏ phần tĩ ở chỗ phao câu vịt, nếu các lỗ chân lông của vịt có chất nhầy màu đen còn xót lại thì phải rửa thật kỹ cho bằng hết vì đây là nguyên nhân chính gây nên mùi hôi của vịt.
Cách dùng kèm
Vịt nấu măng có thể làm các món như miến măng vịt, bún măng vịt hoặc ăn với cơm kèm theo các loại rau thơm như ngò rí, rau quế,…